NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI LÁI CANO CAO TỐC

 

Vào những ngày cuối tuần, cùng gia đình lái cano cao tốc dạo biển, sông. Tránh xa sự ồn ào khói bụi của đất liền, giờ đây bạn sẽ chỉ nghe thấy tiếng sóng vỗ dịu êm, tiếng gió rì rào hòa với tiếng chim vang rền cả một vùng trời rộng lớn. Đây sẽ là thời khắc bình yên và hạnh phúc nhất khi bạn có thể thoải mái trải nghiệm cùng người thân trên sóng nước cùng cano cao tốc.

Hãy cùng Yachting Việt Nam tìm hiểu những kiến thức và kỹ năng cần biết trước khi lái cano cao tốc, để đảm bảo an toàn cho những hành khách và gia đình trong mỗi chuyến đi nhé.

1. Chứng chỉ và bằng lái để đủ điều kiện điều khiển một chiếc cano cao tốc

Tương tự như lái xe máy, ô tô, để lái cano cao tốc bạn vẫn phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về an toàn đường thủy và bằng lái cano, ngoài việc để xuất trình khi cần thiết điều đó còn giúp bảo vệ gia đình bạn khỏi những sự cố và nguy hiểm tiềm ẩn trong mỗi chuyến đi. Vậy chạy cano cao tốc có cần bằng lái không?

Theo Luật giao thông đường thủy nội địa, những người điều khiển phương tiện thủy buộc phải có bằng cấp chuyên môn. Nếu không có bằng cấp mà điều khiển du thuyền, ca nô là vi phạm luật và sẽ bị các đơn vị chức năng như CSGT đường thủy và TTGT đường thủy sẽ kiểm tra xử phạt.

Bốn chứng chỉ đầu tiên và cơ bản cần phải có đối với du thuyền, cano cao tốc. Cụ thể là với du thuyền hoặc cano cao tốc có công suất tối đa 150HP.

-  Chứng chỉ lái phương tiện thủy nội địa

-  Chứng chỉ điều khiển phương tiện loại II tốc độ cao.

-  Chứng chỉ thợ máy

-  Chứng chỉ an toàn cơ bản

Với những loại du thuyền có công suất lớn hơn 150HP

-  Thuyền trưởng hạng 3: Đối với thuyền có công suất từ 250HP-1000HP.

-  Thuyền trưởng hạng 2: Đối với thuyền có công suất từ 1000HP-3000HP.

-  Thuyền trưởng hạng 1: Bạn sẽ có thể lái mọi phương tiện thủy.

Nếu trên tàu không có thuyền viên là thợ máy, hoặc máy trưởng, thì thuyền trưởng/người lái phương tiện cần có bằng máy trưởng, hoặc chứng chỉ thợ máy tương ứng với công suất và kiểu lắp máy trong/ngoài.

2. Nắm rõ việc điều khiển và vận hành toàn bộ hệ thống trên cano cao tốc

Lái cano cao tốc cũng như bạn đang nắm vận mệnh của tất cả hành khách trên chuyến đi. Am hiểu cách điều khiển và cách vận hành chiếc cano của bạn, cũng như hiểu rõ chức năng và vị trí các nút điều khiển trên thuyền. Giúp bạn nắm chắc an toàn và có thể kịp thời xử lý những sự cố không mong muốn trong chuyến đi.

3. Lên lịch trình cụ thể

Lên kế hoạch cụ thể cho lịch trình, nếu không muốn lên đên trên biển, sông mà chưa biết đi đâu và về đâu nhé. Đồng thời biết rõ điểm đến và cách đọc bản đồ và sử dụng la bàn để đảm bảo không bị lạc. Việc bị lạc trên sóng nước sẽ dẫn đến rất nhiều nguy hiểm mà bạn khó có thể lường trước được.

4. Xem dự báo thời tiết

Những cơn gió to, sóng lớn thủy triều chảy xiết có thể làm du thuyền của bạn bị lật khi đang di chuyển, điều đó vô cùng nguy hiểm. Vì vậy trước mỗi chuyến đi, bạn nên theo dõi kỹ dự báo thời tiết và chọn một ngày nắng đẹp, sóng êm để chuyến đi thêm trọn vẹn. Đừng quên trang bị thêm kinh nghiệm xử lý sự cố khi thời tiết trở xấu để đảm bảo an toàn cho hành khách nếu đột nhiên thời tiết chuyển xấu nhé.

5. Kiểm tra nhiên liệu

Kiểm tra nguyên liệu vô cùng cần thiết trong mỗi chuyến đi, chắc chắn rằng việc hết nhiên liệu và lên đên trên biển là điều không ai mong muốn. 

Khi tiếp nhiên liệu bạn nên chú ý không sử dụng thuốc lá và những thứ có thể gây cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Nếu bạn đang tiếp nhiên liệu trên nước, đảm bảo các tàu đã thực sự cập cảng và động cơ cũng như tất cả các thiết bị điện đã được tắt hết.

Khi thêm dầu, bạn hãy chú ý để xem có rò rỉ hay có hiện tượng tích tụ hydrocacbon. Một khi phát hiện hiện tượng này, hãy dừng việc tiếp nhiên liệu và khắc phục sự cố trước khi tiếp tục tiếp nhiên liệu.

6. Kiểm tra động cơ

Ngay cả khi cano của bạn được bảo trì đều đặn, trước khi khởi hành bạn nên khởi động động cơ một lúc, lắng nghe âm thanh của nó mượt mà khi chạy không. Nếu có bất kỳ âm thanh lạ nào, hãy xem xét và sửa chữa ngay. Kiểu tra các phím chức năng trên hệ thống điều khiển có hoạt động tốt. Kiểm tra du thuyền của bạn có vết nứt, xước bất thường nào không, nếu có hãy khắc phục ngay lập tức.

Kiểm tra thật kỹ các điểm nối tiếp, từng đường hàn, từng đinh tán để kiểm tra sự kính nước của cano cao tốc. Sẽ rất phiền hà cho bạn nếu cứ phải xả nước ra khỏi cano sau những chuyến đi chơi hoặc khi neo đậu ngoài trời, chưa kể nước biển có thể làm oxy hóa nhiều thiết bị trong cano; làm mục rữa gây ra mùi thối khó chịu cho chiếc cano.

Một khi cano của bạn lênh đênh trên sóng nước, bất kỳ một sự cố nhỏ nào cũng có thể dẫn đến nguy hiểm cho gia đình và hành khách của bạn, vì vậy hãy kiểm tra thật kỹ các bộ phận, trước khi bắt đầu chuyến đi nhé.

7. Trang bị biện pháp an toàn cho cano cao tốc

Cano cao tốc được trang bị những biện pháp an toàn như đồ bảo hộ, phao cứu sinh, bình chữa cháy, pháo sáng,... là những trang bị luôn luôn và bắt buộc phải có trên cano cao tốc. Luôn mặc áo phao trước khi xuất bến và xuyên suốt thời gian di chuyển từ bến đến điểm đích. Trang bị kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm, xử lý tình huống cho các thành viên, yêu cầu họ luôn trong trạng thái sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc, với thái độ bình tĩnh nhất.

8. Hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi lật cano cao tốc

Lật tàu thuyền nói chung hay các phương tiện du lịch sông nước thường gây nên thảm nạn nghiêm trọng. Nguyên nhân thì có nhiều song nếu trang bị đầy đủ và chính xác kỹ năng sống còn - xử lý tốt tình huống khẩn cấp sẽ có thể giảm thiểu nỗi đau thương, cảnh tang tóc xuống mức thấp nhất.

a. Nguyên nhân nào gây lật cano cao tốc khi đi du lịch?

Những vụ tai nạn ngoài ý muốn như cháy nổ hay lật, chìm hoàn toàn có thể xảy đến bất ngờ. Nguyên nhân thì có nhiều, có thể khách quan lẫn chủ quan. Điển hình nhất sẽ là:

- Yếu tố thời tiết xấu, gió mạnh, sóng cao.

- Chất lượng phương tiện hay đồ bảo hộ không đảm bảo hoặc thiếu.

- Nghiệp vụ, kỹ năng của nhân viên phục vụ quá kém.

- Thái độ chủ quan hay bất hợp tác của hành khách, như: không trang bị kiến thức sinh tồn khi di chuyển trên sông nước, không tuân thủ quy định (nhất là mặc áo phao), không biết bơi…

Khác với tai nạn trên mặt đất, sự cố trên sông nước khó xử lý và ứng cứu hơn rất nhiều. Nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, bài học để lại đã hiện rõ xong một khi “người trong cuộc” không bình tĩnh xử lý và trang bị đầy đủ - chính xác các kỹ năng sinh tồn để thoát hiểm thì thảm nạn vẫn mãi tiếp diễn…

b. Làm gì khi đi du lịch bị lật cano cao tốc?

Hướng dẫn không đảm bảo hiệu quả an toàn tuyệt đối nhưng nếu áp dụng đúng và đủ (cho cả nhân viên phục vụ lẫn hành khách) sẽ giúp giảm hậu quả thương tâm xuống mức thấp nhất.

-   Khi cano cao tốc, tàu thuyền có dấu hiệu lật, chìm

Hết sức bình tĩnh để tiếp nhận sự cố và đưa ra phương án xử lý tình huống một cách thông minh, kịp thời và hiệu quả nhất. Bật báo động sự cố, tín hiệu sơ tán trên hệ thống loa của tàu, đồng thời hướng dẫn hành khách di chuyển nhanh nhưng trật tự đến lối thoát hiểm gần nhất đối với nhân viên phục vụ/ lắng nghe và tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên phục vụ đối với hành khách, tuyệt đối không kích động, chống đối, chen lấn, giẫm đạp bất chấp lên nhau làm trì hoãn hiệu quả xử lý tình huống.

Trường hợp trên cano cao tốc có trẻ em, nên chuẩn bị ổn thỏa cho mình rồi mới trang bị cho trẻ, giúp đỡ cả người lớn tuổi và phụ nữ, phụ nữ mang thai,... đảm bảo tất cả nhân viên và hành khách đều mặc áo phao đạt chuẩn. Mặc áo mưa hay áo khoác nếu có sẽ giúp giữ ấm cơ thể và cầm cự lâu hơn khi lênh đênh trên sông nước thời gian dài.

Nếu có thể và có thời gian nên mang theo những vật dụng thiết yếu giúp sinh tồn sau khi rời tàu, như nước sạch, đèn pin, lương khô… không cố thu gom tư trang gây nặng và vướng.

Xác định nhanh nhưng phải đúng hướng tàu có thể chìm và luôn di chuyển về hướng cao hơn khi rời khỏi tàu.

- Khi cano cao tốc, tàu thuyền bắt đầu chìm

Đứng đối lập với bên tàu sẽ chìm, như tàu nghiêng sang trái thì phải đúng sang phải, để giữ thăng bằng nhằm kéo dài thời gian nước tràn vào thân tàu

Tìm mọi cách để thoát ra ngoài, phá cửa nếu cần thiết, trong trường hợp đang ở trong phòng bên dưới tàu hoặc trong cano kín.

Lập tức bỏ lại những vật dụng không cần thiết, trang bị áo phao và sắp xếp người lên phao, xuồng cứu sinh chuẩn bị rời tàu. Thậm chí khi không còn sự lựa chọn nào khác, cũng hãy chuẩn bị tinh thần nhảy xuống nước, đừng ở lại trên chiếc tàu đang chìm dần.

Nếu không biết bơi mà không tìm thấy phao hay thuyền cứu sinh, hãy bám vào bất cứ vật dụng gì nổi trên mặt nước để giữ cho mình không bị chìm. Luôn luôn giữ bình tĩnh, vì hoảng loạn chỉ làm cho tình hình tệ hơn.

-  Thao tác với phao, xuồng cứu sinh

Thả xuồng xuống nước: Khi chiếc cano, tàu thuyền có khả năng chìm dần xuống nước, hãy thả xuồng cứu hộ, đừng quên bỏ vào đó một ít đồ đạc cần thiết để sinh tồn. Khi xuồng chạm nước và thăng bằng, bình tĩnh từng người một di chuyển xuống, người trước ổn định chỗ ngồi thì mới đến lượt người sau, tuyệt đối không chen lấn, xô đẩy dễ gây mất thăng bằng khiến xuồng cũng bị lật hoặc người nào bất cẩn bị rơi ra. Chỉ cho xuồng chứa đủ lượng người tối đa, tuyệt đối không nhồi nhét.

Bơi xuồng ra xa: Ổn định người và xuồng trong thời gian nhanh nhất rồi ngay lập tức bơi xuồng ra xa nhất có thể phía khu vực tàu bị chìm để tránh bị hút xuống dòng xoáy của nước. Bình tĩnh và giữ sức để giữ xuồng quanh quẩn quanh khu vực tàu chìm đợi tàu cứu hộ đến.

Liên kết các xuồng với nhau: Nếu thả nhiều xuồng cứu hộ, hãy cố gắng liên kết các xuồng lại với nhau bằng dây chắc chắn; như thế sẽ hợp lại thành một mảng lớn, có thể đương đầu với các con sóng lớn đồng thời thuận tiện cho công tác cứu hộ hơn, giảm thiểu tình trạng thất lạc.

Tránh xa vết dầu loang trên nước: Nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nước có vết dầu loang từ chiếc tàu bị đắm, vì những đám cháy có thể bắt dầu lan ra rất nhanh.

Phát tín hiệu cầu cứu: Sử dụng pháo sáng, khói hay bất cứ thứ gì có thể gây sự chú ý (như quần áo sáng màu hoặc âm thanh lớn) khi thấy bóng dáng của tàu thuyền khác hay máy bay…

-  Nếu không có phao, xuồng cứu sinh

Đôi khi, tàu thuyền du lịch dù lớn nhưng không trang bị hoặc trang bị không đủ xuồng cứu hộ đạt chuẩn trong tình huống khẩn cấp. Khi đó, cần:

Trang bị áo phao, phao hay bất cứ vật gì có thể làm nổi được (như can nước, miếng xốp…) rồi nhảy xuống nước ngay lập tức, tuyệt đối không ở lại trên chiếc tàu đang chìm. Ôm phao hay vật làm nổi thật chắc trước ngực sao cho khi rơi xuống nước, người phải nằm đè lên phao giúp cơ thể nổi lên trên.

Nên nhảy theo phương thẳng đứng và xuôi theo chiều gió, cũng không nhảy ở phía tàu đang nghiêng và đang bị chìm.

Bơi ra xa để tránh dòng xoáy nước từ tàu chìm nhưng vẫn phải quanh quẩn quanh khu vực này để đợi cứu hộ.

Không quên tìm kiếm xung quanh những đồ dùng, vật dụng có thể dùng được để duy trì sự sống như lương thực, nước uống, dao, đèn nháy…

Giữ sức để vật lộn với sự sống, phân bổ lượng lương thực hợp lý, hạn chế ăn uống hay vận động mạnh.

Bình tĩnh để quan sát, định hướng hướng về đất liền hoặc di chuyển đến vùng cao hơn. Có thể quan sát các loại chim biển đang bay vào các buổi chiều, hướng bay của nó sẽ là đất liền. Bơi sau lưng và bám sát những ngọn sóng, tận dụng hướng gió xuôi chiều là cách bơi đỡ tốn sức nhất.

-  Nếu không biết bơi

Nếu may mắn, bạn vẫn có thể sống sót dù không biết bơi nếu thực hiện đúng các hành động sau đây:

Tuyệt đối giữ bình tĩnh, không vùng vẫy khi tiếp nước; vì càng sợ, vùng vẫy càng mạnh thì càng tốn nhiều sức và mau bị chìm. Tìm cách bám ngay lập tức vào bất kỳ vật thể nổi nào gần mình. Trường hợp đang nổi cùng một nhóm người, hãy động viên nhau thay vì gây mâu thuẫn.

Tìm kiếm xung quanh những thứ có thể duy trì sự sống như nước, lương thực, đèn nháy… Nằm ngửa và thả lỏng người theo phương pháp thả trôi, giữ cho mặt, miệng và các ngón chân nổi trên mặt nước. Cố giữ sức và duy trì sự sống đợi cứu hộ.

Tai nạn là điều không ai ngờ đến hay mong muốn gặp phải. Chắc chắn sẽ chẳng ai thích kết thúc một chuyến du lịch trong tang thương và nức nở. Nhưng có những sự cố bất ngờ xảy đến. Như tai nạn chìm tàu thuyền chẳng hạn. Điều cần thiết để đảm bảo an toàn và hạn chế thương vong chính là trang bị đầy đủ và chính xác kỹ năng sinh tồn và bình tĩnh xử lý tình huống gặp phải.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có được những kinh nghiệm hữu ích trước khi lái cano cao tốc, tàu thuyền. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay băn khoăn nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp. Và có cơ hội tham quan trải nghiệm thực tế nhiều loại du thuyền và cano cao tốc, đồng thời nhận nhiều ưu đãi cực hot từ Du thuyền Yachting Việt Nam nhé.

----------------------------------------------

DU THUYỀN YACHTING VIỆT NAM

☎  Hotline: 0987 769 960 - 0902 898 938

🏢  Địa chỉ: Showroom Yachting Việt Nam tại Câu Lạc Bộ Bến Du Thuyền Nam Sài Gòn SSMC: Số 9A, Trần Văn Trà, P. Tân Phong, Q7, TP.HCM

🌐  Website: Du thuyền Yachting Việt Nam 

📺  Youtube: Du thuyền Yachting Việt Nam



 

← Bài trước Bài sau →