THỦ TỤC NHẬP KHẨU DU THUYỀN VỀ VIỆT NAM CÓ PHỨC TẠP KHÔNG?

Sở hữu những chiếc du thuyền đẳng cấp, sang trọng đang thu hút rất nhiều doanh nhân và đại gia Việt cũng như các công ty kinh doanh du thuyền. Vậy thủ tục nhập khẩu du thuyền về Việt Nam có phức tạp không? Để nhập khẩu một chiếc du thuyền về Việt Nam cần những thủ tục nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

Thủ tục nhập khẩu du thuyền về Việt Nam

Du thuyền là gì? 

Du thuyền là thuyền hoặc tàu cỡ nhỏ được sử dụng cho thú vui, giải trí hoặc thể thao. Thường có hai loại chính, một loại chạy bằng buồm và một loại chạy bằng động cơ. Du thuyền khác với các loại tàu bè khác chủ yếu là mục đích sử dụng phục vụ cho giải trí của nó, nhiều du thuyền được trang bị xa xỉ và dành cho những chủ nhân giàu có và do đó nó có giá khá đắt. Chỉ đến khi có tàu hơi nước và các loại tàu gắn động cơ thì thuyền buồm nhìn chung mới trở thành loại du thuyền xa hoa. Tuy nhiên, kể từ khi mức độ xa xỉ của các du thuyền lớn hơn có xu hướng tăng lên thì du thuyền được dùng để chỉ thuyền buồm đua hoặc du thuyền đi dạo biển.

Thủ tục hải quan là gì?

Thủ tục hải quan (tiếng Anh – CUSTOMS PROCEDURES) là các thủ tục cần thiết đảm bảo hàng hóa cũng như phương tiện vận tải được xuất khẩu hoặc nhập khẩu qua biên giới quốc gia. Mục đích của việc này:

-   Đối với DN: Thông quan tờ khai để được nhập hàng vào VN hoặc được xuất hàng ra ngoài biên giới VN.

-   Đối với cơ quan hải quan: 

     .   Một là để quản lý thuế: khai hải quan để cơ quan hải quan có cơ sở tính thuế và thu thuế nộp vào ngân sách nhà nước.

     .  Hai là để quản lý hàng hóa: ngăn chặn kịp thời các lô hàng cấm xuất hoặc cấm nhập khẩu được di chuyển qua khỏi biên giới.

Thủ tục nhập khẩu du thuyền về Việt Nam

Nhập khẩu du thuyền mới

Thủ tục nhập khẩu du thuyền mới

Căn cứ Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/51/2018 của Chính phủ, mặt hàng du thuyền mới 100% không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hay danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành.

Mặt hàng tàu biển nhập khẩu phải thực hiện đăng kiểm. Thủ tục đăng kiểm được quy định tại Thông tư 40/2016/TT-BGTVT ngày 07/12/2016 của Bộ Giao thông vận tải. Căn cứ quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển; hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển; biên bản giao nhận tàu biển và văn bản xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam sau khi thực hiện kiểm tra lần đầu đối với tàu biển nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển.

Các giấy tờ cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục nhập khẩu du thuyền mới

Cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu du thuyền cần chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu theo quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hoá, bao gồm các giấy tờ sau đây: 

Các loại giấy tờ cần chuẩn bị

1. Tờ khai hàng hóa nhập khẩu gồm 2 bản chính. Tờ khai hải quan chỉ có giá trị trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng ký.

2. Hoá đơn thương mại: 1 bản chính và 1 bản sao.

3. Vận tải đơn: 1 bản sao chụp từ bản gốc hoặc bản chính của các bản vận tải đơn có ghi chữ copy.

4. Giấy phép nhập khẩu: Nộp giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu; Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

5. Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc Giấy thông báo kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.

  • Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính (đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy). Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

  • Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ): 01 bản chính hoặc chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử trong các trường hợp sau:

-   Hàng hóa có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước có thỏa thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó;

-   Hàng hoá thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;

-   Hàng hoá nhập khẩu từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phân biệt đối xử, thuế tự vệ, thuế suất áp dụng theo hạn ngạch thuế quan;

-   Hàng hoá nhập khẩu phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhập khẩu du thuyền đã qua sử dụng 

Về giới hạn độ tuổi tàu biển đăng ký lần đầu ở Việt Nam

Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị định 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (có hiệu lực đến ngày 30/06/2017) quy định:

Điều 8. Giới hạn tuổi tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam

1. Tàu biển đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam phải có tuổi tàu biển theo quy định sau đây:

a) Tàu khách không quá 10 tuổi;

b) Các loại tàu biển khác không quá 15 tuổi.

2. Giới hạn về tuổi tàu biển quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tàu biển thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

3. Tàu biển nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam mua theo phương thức vay mua hoặc thuê mua thì sau thời hạn đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài được chuyển đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, nếu tại thời điểm ký hợp đồng vay mua, thuê mua có tuổi tàu phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Giới hạn tuổi tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam

Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 2/12/2016 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/07/2017) quy định:

Điều 7. Giới hạn tuổi tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam

1. Tuổi của tàu biển, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam được thực hiện theo quy định sau:

a) Tàu khách, tàu ngầm, tàu lặn: Không quá 10 năm;

b) Các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động: Không quá 15 năm;

c) Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định nhưng không quá 20 năm và chỉ áp dụng đối với các loại tàu: Chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi.

2. Giới hạn về tuổi tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài, thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

3. Giới hạn về tuổi tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng trong trường hợp tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam và thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam đã xóa đăng ký quốc tịch Việt Nam để đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài theo hình thức cho thuê tàu trần.

4. Tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam mua theo phương thức vay mua hoặc thuê mua thì sau thời hạn đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài được đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam nếu tại thời điểm ký kết hợp đồng vay mua, thuê mua có tuổi tàu phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này.

Thủ tục nhập khẩu du thuyền đã qua sử dụng

Trong trường hợp đủ điều kiện đăng ký lần đầu tại Việt Nam, thủ tục hải quan nhập khẩu tàu biển được thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ:

“Điều 35. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển: Căn cứ quyết định mua, bán, đóng mới tàu biển; hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển; biên bản giao nhận tàu biển và văn bản xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển của Cục Đăng kiểm Việt Nam sau khi thực hiện kiểm tra lần đầu đối với tàu biển nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển. Việc kiểm tra thực tế tàu biển xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện tại Việt Nam hoặc các địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.”

Thủ tục xuất nhập khẩu tàu biển, du thuyền được căn cứ vào điều 32, Nghị định 132/2008/NĐ-CP. Căn cứ vào mục V, phụ lục 1 ban hành cùng với thông tư số 39/2016/TT-BGTVT ngày 6/12/2016 thuộc Bộ GTVT. Toàn bộ mặt hàng tàu chở hàng hóa nằm trong danh mục sản phẩm nhóm 2 bắt buộc phải thực hiện thủ tục chứng nhận. Đồng thời, chủ tàu phải công bố hợp quy trước khi đưa vào khai thác sử dụng.

Sau đó, cần phải làm đơn đề nghị cục Đăng kiểm Việt Nam cùng với Bộ GTVT để xin xác nhận về trạng thái kỹ thuật tàu biển. Đồng thời chứng nhận công bố hợp quy đối với các mặt hàng nêu trên khi bạn thực hiện thủ tục nhập khẩu. Quá trình thực hiện nếu bạn gặp vướng mắc hãy liên hệ ngay cho chi cục Hải quan nơi dự định nhập khẩu để được xử lý kịp thời.

Đối với loại hình nhập khẩu, bạn nên tham khảo kỹ công văn 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/04/2015. Từ đó, xác định rõ mã loại hình nhập khẩu phù hợp với doanh nghiệp mình. Đối với trường hợp nhập khẩu tạo ra tài sản cố định khi làm thủ tục tại chi cục Hải quan cửa khẩu, công ty có thể dùng mã loại hình A11.

Các giấy tờ cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục nhập khẩu du thuyền đã qua sử dụng

Trước khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu, người mua hàng cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ hải quan và nộp cho cơ quan có thẩm quyền trước khi hàng hóa về đến cửa khẩu hoặc nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày hàng đến cửa khẩu. Hồ sơ hải quan bao gồm:

1. Tờ khai hải quan danh cho hàng nhập khẩu gồm 2 bản chính. Tờ khai hải quan chỉ có giá trị trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng ký.

2. Hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương: 1 bản sao.

3. Hoá đơn thương mại: 1 bản chính và 1 bản sao.

4. Các chứng từ vận tải và vận tải đơn có giá trị đương đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển.

5. Giấy phép về nhập khẩu, văn bản cho pháp nhập khẩu từ cơ quan có thẩm quyền.

6. Giấy cho chứng nhận kiểm tra từ cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

7. Tờ khai giá trị theo mẫu.

8. Chứng nhận từ về xuất xứ hàng hóa….

Ngoài các hồ sơ trên, nhà nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan hải quan các giấy tờ liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp như:

-   Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận mã số thuế

-   Giấy giới thiệu của cơ quan

-   Thẻ làm thủ tục hải quan

Nếu doanh nghiệp không hiểu rõ các thủ tục khai báo hải quan này, chủ doanh nghiệp có thể thuê các đại lý hải quan làm hộ và cả hai cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin khai báo.

Trên đây là một số thông tin về Thủ tục hải quan nhập khẩu du thuyền đã qua sử dụng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính bản thân mình, các bên cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, trình tự thủ tục thực hiện thủ tục nêu trên. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn nhé.

----------------------------------------------

DU THUYỀN YACHTING VIỆT NAM

☎  Hotline: 0987 769 960 - 0902 898 938

🏢  Địa chỉ: Showroom Yachting Việt Nam tại Câu Lạc Bộ Bến Du Thuyền Nam Sài Gòn SSMC: Số 9A, Trần Văn Trà, P. Tân Phong, Q7, TP.HCM

🌐  Website: Du thuyền Yachting Việt Nam 

📺  Youtube: Du thuyền Yachting Việt Nam

 

 

Tags: du thuyền
← Bài trước Bài sau →